Home

Hướng dẫn kỹ thuật

Vaccine và cách thức sử dụng trong tiêm phòng cho gia súc, gia cầm

Hiện nay vấn đề lựa chọn vaccine và cách cấp vaccine cho gia súc, gia cầm ở trại chăn nuôi chưa được thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Điều này đã gây thiệt hại rất nhiều trong công tác phòng chống dịch bệnh…
Vì vậy bài viết sau đây hy vọng sẽ giới thiệu khái quát về cách thức cấp vaccine cho gia súc, gia cầm nhằm đạt được hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch bệnh cho trại chăn nuôi.

I. Khái quát về vaccine
– Vaccine là chế phẩm sinh học dùng để phòng bệnh được chế từ chính mầm bệnh gây ra bệnh cần phòng. Trong vaccine có 2 thành phần:
+ Kháng nguyên (là thành phần chủ yếu): gồm có một hoặc một số mầm bệnh đã bị giết chết hoặc làm yếu đi.
+ Chất bổ trợ: gồm hóa chất để giết mầm bệnh và hóa chất để giữ kháng nguyên ổn định hoặc tồn tại lâu trong cơ thể, tăng hiệu lực và thời gian miễn dịch ở vật nuôi. Thường dùng là keo phèn (gọi là vaccine keo phèn), dầu khoáng, dầu thực vật (gọi là vaccine nhũ hóa).

II. Phân loại vaccine

1. Vaccine nhược độc (vaccine sống nhược độc)
– Là loại vaccine được chế từ vi khuẩn hoặc virut đã được làm yếu đi đến mức không gây nguy hiểm cho cơ thể nhưng vẫn đáp ứng miễn dịch tốt, hoặc từ những chủng vi sinh vật vốn có tính gây bệnh thấp đối với động vật được tuyển chọn từ tự nhiên.
– Có nhiều cách để làm giảm độc lực của vi khuẩn hoặc virut
+ Nuôi cấy trong những điều kiện bất lợi (nuôi vi khuẩn nhiệt thán ở nhiệt độ 42°C hoặc trong môi trường CO2, nuôi vi khuẩn lao trong môi trường có mật bò)
+ Làm khô môi trường sống của vi khuẩn hoặc virut (vaccine dại Pasteur)
+ Để cho vi khuẩn già đi (vaccine tụ huyết trùng của Pasteur)
+ Tiếp đời liên tục qua một loại động vật không cảm thụ tự nhiên (vaccine nhược độc dịch tả trâu bò qua thỏ hoặc qua lợn, vaccine nhược độc dịch tả lợn qua thỏ hoặc qua bê)
+ Tiếp đời qua thai, trứng (vaccine Newcastle, vaccine dịch tả vịt, vaccine đậu gà)
+ Ngoài ra còn có một số vaccine được chế từ các chủng mầm bệnh nhược độc tự nhiên (vaccine Newcastle V4 chịu nhiệt, vaccine bệnh Marek)

– Các vaccine nhược độc có khả năng gây miễn dịch tốt hơn vaccine vô hoạt. Vaccine virut nhược độc thường gây miễn dịch sớm (3 – 4 ngày sau khi tiêm, thời gian miễn dịch tương đối dài. Nhưng những loại vaccine này khi dùng dễ gây phản ứng, đòi hỏi nhiệt độ bảo quản thấp, có thể lây bệnh không điển hình hoặc làm trỗi dậy các bệnh khác sau khi tiêm.

2. Vaccine vô hoạt (hay còn gọi là vaccine chết)
– Là loại vaccine được chế từ vi khuẩn, virut đã bị giết chết. Đây là loại vaccine an toàn, ổn định và dễ sử dụng, nhưng hiệu lực thường kém và thời gian sử dụng ngắn.
– Sử dụng các tác nhân vật lý để giết chết vi khuẩn hoặc virut (tia cực tím, các chất hóa học như axit phenic, formol, crystal violet,… )
– Gồm các loại vaccine tụ huyết trùng trâu bò, tụ huyết trùng lợn, vaccine ung khí thán…

3. Giải độc tố (toxoid):
– Là chế phẩm sinh học được chế từ độc tố của vi khuẩn đã được giải độc. Giải độc tố mất độc tính nhưng còn tính sinh miễn dịch. Khác với vaccine gây miễn dịch các bệnh do vi khuẩn, giải độc tố chỉ gây miễn dịch với độc tố của vi khuẩn.
– Giải độc bằng các dung dịch formol hoặc phenol (Giải độc tố uốn ván)
* Lưu ý: Giải độc tố thường an toàn và ít gây phản ứng phụ. Tuy nhiên, cần phải dùng với liều tiêm khá lớn do trong vaccine phải có chất bổ trợ để duy trì kháng nguyên kéo dài trong cơ thể nên việc sử dụng gặp nhiều phiền toái và chất bổ trợ cũng có thể gây kích thích dẫn đến những phản ứng phụ bất lợi. Sau khi tiêm trung bình từ 2 – 3 tuần lễ thì cơ thể mới có miễn dịch. Độ dài miễn dịch thường ngắn (3 – 6 tháng) vì vậy có loại phải tiêm nhiều lần trong năm (điều này cũng giống đối với vaccine vô hoạt).

III. Nguyên tắc dùng vaccine khi tiêm phòng
Dùng vaccine chủ yếu là phòng bệnh và sau khi tiêm vaccine một thời gian nhất định heo mới có khả năng tự miễn dịch, vì vậy khi tiêm vaccine cần phải thực hiện theo đúng những nguyên tắc sau:

– Đối tượng tiêm phòng:
+ Thực hiện tiêm phòng hàng năm đối với những vùng có ổ dịch cũ, vùng có nhiều bệnh truyền nhiễm phát sinh theo mùa.
+ Ở nơi bệnh đang phát thì không được tiêm vaccine đối với những heo đã mắc bệnh mà phải dùng kháng huyết thanh hoặc kháng sinh thích hợp để điều trị (vì nếu tiêm cho động vật đã nhiễm bệnh thì bệnh sẽ phát sớm hơn, nặng hơn). Đối với những con còn khỏe nhưng do tiếp xúc với những con bệnh nên dễ bị lây nhiễm, vì vậy có thể tiêm kháng huyết thanh cùng lúc với vaccine (nhưng ở vị trí khác nhau trên cơ thể).
+ Ở những nơi chưa có dịch chỉ nên dùng vaccine chết.
+ Nên tiêm phòng cho heo trước 15 – 20 ngày trong trường hợp vận chuyển heo đi xa và sau 20 – 30 ngày trong trường hợp nhập heo từ nơi khác về.
+ Vaccine phòng bệnh nào thì thường chỉ phòng được loại bệnh đó, không phòng được bệnh khác.

– Hiệu lực của vaccine:
+ Tình trạng sức khỏe sẽ ảnh hưởng tới hiệu lực của vaccine. Chỉ tiêm phòng khi heo có thể trạng khỏe mạnh vì lúc đó heo mới có khả năng đáp ứng miễn dịch cao. Không tiêm vaccine cho những con đang nung bệnh, những con quá gầy yếu, quá non, con mẹ mới đẻ, những con đang gặp stress (mới thiến chưa lành vết thương, dời chuồng, xổ giun, thay đổi khẩu phần thức ăn). Cũng không nên tiêm vaccine virus nhược độc cho heo mang thai ở thời kỳ thai sớm (1/3 kỳ thai đầu tiên).
+ Một số trường hợp khi tiêm vaccine cho những con có thể trạng tốt nhưng khả năng đáp ứng miễn dịch của những con đó vẫn kém. Điều này có thể do điều kiện ngoại cảnh đã tác động làm giảm khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể, từ đó mầm bệnh vẫn có thể xâm nhiễm và gây bệnh cho vật nuôi.

– Thời gian vaccine tác dụng:
Sau khi tiêm vaccine, cơ thể sẽ tạo được miễn dịch sau 2 – 3 tuần. Trong thời gian đó, động vật chưa có miễn dịch đầy đủ nên vẫn có thể mắc bệnh và phát bệnh. Hiện tượng này có thể dẫn đến những nhận định sai lầm vì cho rằng vaccine không có hiệu lực, vaccine gây ra phản ứng hoặc vaccine gây bệnh.

– Liều sử dụng vaccine:
Cần sử dụng vaccine (cho uống, nhỏ mắt hoặc tiêm) đúng theo chỉ định của nhà sản xuất. Nếu thấp hơn liều quy định sẽ làm giảm hiệu lực của vaccine, nếu tiêm liều cao hơn có thể làm tê liệt miễn dịch hoặc gây ra phản ứng phụ. Đối với vaccine virus nhược độc thường dùng liều giống nhau cho các lứa tuổi ở động vật, còn đối với vaccine vi khuẩn phải dùng theo thể trọng hay theo tuổi mà cho các liều khác nhau.

– Số lần dùng vaccine:
Một số vaccine cần được tiêm nhắc lại do có trường hợp dùng lần đầu cho nên kháng thể tạo ra chưa nhiều và bị giảm đi rất nhanh hoặc trường hợp sau khi tiêm một thời gian thì kháng thể được tạo thường suy giảm đến mức hết hiệu lực.. cho nên cần tiêm lần 2 cách lần thứ nhất là 3 – 4 tuần.
Như vậy đợt tiêm đầu tiên cho động vật nên gồm 2 mũi tiêm cách nhau 3 – 4 tuần (thường gọi là đợt tiêm sơ chủng), sau đó để duy trì đáp ứng miễn dịch và nâng cao sức kháng bệnh cần thực hiện tiêm nhắc sau 4 – 12 tháng (tùy theo vaccine, tùy theo động vật và tình hình dịch tễ).

– Kết hợp vaccine:
Một số vaccine có thể dùng kết hợp, bằng cách tiêm cùng lúc ở các vị trí khác nhau với những liều quy định. Như vậy động vật sẽ tạo được miễn dịch với nhiều bệnh trong cùng một thời điểm mà không gây những phản ứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số vaccine chết không được dùng chung bơm tiêm với các loại vaccine sống nhược độc.

– Kiểm tra lọ vaccine trước khi sử dụng:
Trước khi sử dụng bất cứ lọ vaccine nào cũng cần phải kiểm tra những chi tiết sau:
+ Thông tin trên nhãn: (Những chi tiết này cần ghi vào sổ để theo dõi nếu gặp sự cố khi sử dụng)
> Tên vaccine (có đúng với nhu cầu sử dụng không)
> Số lô, số liều sử dụng
> Ngày sản xuất, số kiểm nghiệm xuất xưởng
> Thời hạn sử dụng, quy cách bảo quản

+ Những hư hỏng trong lọ vaccine:
> Nút: chặt hay lỏng, nguyên vẹn hay bị rách, tình trạng lớp sáp phủ bên ngoài.
> Lọ thủy tinh có bị rạn nứt không
> Tình trạng thuốc trong lọ: màu sắc có bình thường không, vaccine có bị vón không, có vật lạ trong lọ không (bụi than, côn trùng, sợi bông…), khi lắc lọ vaccine có tạo thành một dung dịch đồng nhất hay vẫn chia thành 2 lớp (nếu vaccine nhũ hóa hay vaccine keo phèn vẫn chia thành 2 lớp khi lắc là vaccine đã bị hư hỏng không sử dụng được).

– Thao tác khi sử dụng vaccine:
+ Khử trùng các dụng cụ dùng để pha chế vaccine bằng cách hấp hoặc luộc, sau đó rửa bằng nước sạch (nước đã sôi để nguội). Không được rửa bằng thuốc sát trùng.
+ Sát trùng bằng cồn 70o: tay người thực hiện, vùng da được tiêm, nút cao su của lọ chứa vaccine.
+ Trong lúc tiêm phòng cần tránh ánh nắng mặt trời vì có thể làm hư hỏng vaccine (nhất là vaccine sống nhược độc).

IV. Những đường cấp vaccine
– Tiêm dưới da (SQ): vaccine Newcatle (thế hệ I), vaccine dịch tả vịt, vaccine tụ huyết trùng keo phèn.
– Tiêm bắp thịt (IM): Thuốc được chích vào trong cơ thường được hấp thu vào trong máu nhanh hơn so với chích dưới da. Để tránh trào thuốc ra ngoài từ vị trí chích, nên kéo da qua một bên trước khi đâm kim, sau đó đâm thẳng kim vào và bơm thuốc. Khi rút kim ra thì da sẽ bật trở lại vị trí cũ để bao phủ vết chích trong cơ và giữ toàn bộ thuốc ở trong cơ thể. Vị trí chích trên gia súc thường là bắp thịt ở đùi, trên gia cầm là cơ ức.
– Phun sương, nhỏ mắt, nhỏ mũi, nhúng mỏ: vaccine Laxota phòng bệnh Newcatle cho gà.

V. Bảo quản vaccine:
– Vaccine phải được bảo quản đúng kỹ thuật: để ở chỗ tối, râm mát, nhiệt độ bảo quản thích hợp là 20 – 25°C. Vaccine nhược độc được điều chế từ virus phải bảo quản ở nhiệt độ thấp (-15°C) trong quá trình tích trữ và vận chuyển, nhưng nếu ở trạng thái đông khô thì cần được bảo quản lạnh ở 1 – 4°C.
– Phải hủy bỏ vaccine quá hạn dùng, đối với vaccine còn thừa nên tiêu hủy ở những nơi quy định, không vất bỏ bừa bãi, nhất là vaccine sống, để không tạo ra biến chủng phức tạp cho việc phòng bệnh sau này.

VI. Phản ứng sau khi tiêm vaccine:
– Sau khi tiêm vaccine, vật nuôi có thể bị phản ứng do: các chất phụ trong vaccine, tiêm vào cơ thể đang nung bệnh hoặc tiêm sâu vào bắp thịt. Phản ứng cục bộ tại chổ tiêm là sưng, nóng, đau… nhưng sau một thời gian phản ứng này sẽ mất. Khi có phản ứng cục bộ cần xử lý bằng cách chườm nước nóng tại vị trí tiêm. Trường hợp nơi tiêm bị nhiễm trùng gây apxe mủ thì phải điều trị bằng kháng sinh.

– Tiêm vaccine còn có thể gây phản ứng dị ứng (phản ứng xảy ra nhanh sau khi tiêm). Vật nuôi thể hiện: sốt, run rẩy, nôn mửa, thở gấp, nổi mẫn trên mặt da (thường gặp ở heo). Nếu phản ứng ở mức độ nhẹ thì sau một thời gian sẽ hết, nếu phản ứng ở mức độ nặng thì vật nuôi có thể bị chết. Để tránh phản ứng ở mức độ nặng thì sau khi tiêm ta cần theo dõi cẩn thận trạng thái sức khỏe của đàn vật nuôi trong vài giờ liền. Khi có hiện tượng dị ứng nên sử dụng các loại thuốc chống Histamin như: Dimadron, Epharin, Phenergan, Adrenalin.